Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Tản mạn về nét đẹp thiếu nữ Sài Gòn xưa

Khi bàn về nét đẹp của các giai nhân trên đất Sài Gòn, đô thị chỉ có tuổi hơn 300 năm, thì đừng so sánh nét đẹp người Sài Gòn với người vùng khác mà phải khẳng định đó là giá trị tổng hợp từ nhiều vùng miền tạo nên.
Thanh niên Sài Gòn thường xuýt xoa khi thấy nét đẹp quý phái của các bạn gái xứ Huế có họ Công Tằng, Công Huyền dù khi đến nhà họ chơi, nghe cô nói chuyện với ba mẹ thì hoàn toàn không hiểu nổi một câu. Con gái Bắc sống dọc đường Lê Thánh Tôn, Quận Nhứt, khu Ông Tạ hay xứ Bùi Chu Phát Diệm dọc đường Lê Văn Sĩ duyên dáng kiểu con gái Bắc và tất nhiên không phải cô nào cũng như trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên “nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền, nhớ thật thà nhưng thâm ý khoe khoang….” Người đẹp khu dệt vải Ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình thì giọng vẫn đặc sệt Quảng Nam, gò má hơi cao, mặt hơi vuông làm ngẩn ngơ học trò nam Trung học Nguyễn Thượng Hiền gần đó.
Tuy là nơi quần tụ, nhưng những đặc điểm phóng khoáng của vùng đất mới cũng hình thành những nét chung của những người đẹp trên đất Sài Gòn. Khác với nét đài các của thiếu nữ Hà Nội hay vẻ thùy mị thướt tha của con gái Huế, những thiếu nữ Sài Gòn luôn gây ấn tượng bởi vẻ trẻ trung và tự tin. Nhiều người cho là dù mặc áo dài thướt tha bát phố thì họ vẫn có dáng đi khá nhanh nhẹn, chân bước dài, hai tay vung vừa phải. Họ đi nhanh nhưng dáng vẫn uyển chuyển, nữ tính. Nét riêng đó có thể hình thành từ cuộc sống nhộn nhịp của Sài Gòn từ khi chuyển mình thành “Hòn ngọc Viễn đông” từ cuối thế kỷ 19, cuộc sống luôn bận rộn trên bến dưới thuỵền và nhiều cơ hội làm ăn. Cũng có thể do Sài Gòn không có một mùa lạnh để mà co ro, lặng lẽ hay trầm ngâm trên đuờng đi. Cuộc sống bung ra đường cũng khiến họ thoải mái và tự nhiên.
Tuy vậy, đừng đánh giá sai lầm về họ nếu chỉ nhìn bề ngoài. Những thiếu nữ Sài Gòn xưa có thể ngồi ăn hàng ngoài đường rất hồn nhiên nhưng cử chỉ không hề suồng sã. Họ cũng có thể ăn mặc thoáng mát với quần short, áo không tay hay jupe ngắn nhưng không có nghĩa là chơi bời buông thả. Họ có thể không ngại chạy thử một lọai xe mới, đánh tennis, bơi thuyền thậm chí tham gia một trận đá bóng nhưng không hề tỏ mình là “có cá tính”. Họ dễ bắt chuyện nhưng không dễ làm thân, rất cởi mở vui vẻ khi làm quen nhưng không dễ “cưa đổ” như nhiều chàng tưởng bở.
Giới trẻ học đường cách nay bốn mươi năm bảo nhau “Con gái Bắc xinh học Trưng Vương, con gái Nam bộ đẹp ở Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai)”. Các cô học trường Tây như Regina Pacis, Regina Mundi, Marie Curie đa số nhà khá giả, nhiều cô là con cái địa chủ Tây Nam bộ, nói tiếng Pháp như gió, dạn dĩ và ăn mặc rất chic, nhảy đầm một cây. Giới trẻ Sài Gòn ngắm nhau khi bát phố ngòai đường Lê Lợi, Tự Do mỗi chiều cuối tuần, nhưng dễ nhất vẫn là ở những buổi giao lưu văn nghệ các trường hay dịp giáp tết. Lúc đó, mỗi trường đều làm Nội san Xuân in bằng quay Ronéo, xong đóng tập đem bán gây quỹ tặng các bạn nghèo. Những nữ sinh xinh xắn và có tài ăn nói được chọn để lập những nhóm đi bán nội san ở các trường khác. Khoảnh khắc đó thật vui khi đang giữa mùa mát trời Sài Gòn, các cô gái xinh bất ngờ vào lớp khiến bầy trai trẻ ngồi chộn rộn. Nhan sắc Sài gòn được nhận diện ngay từ thời đi học và sau nhiều năm, rất nhiều người còn nhớ những lúc như vậy.
Người đẹp vì lụa. Sài gòn cũng có lụa Hà Đông đề làm dịu cái nắng nhiệt đới như Nguyên Sa nói. Tuy nhiên, vẻ đẹp của Sài Gòn trước hết từ tà áo dài. Áo dài những năm 50, 60 không hề bị nhẹ thể như bây giờ. Các ca sĩ thời thượng nhất vẫn thích trình diễn trong bộ áo dài. Áo dài đi làm, đi dạo phố Bonard ( Lê Lợi) hay Catinat ( Đồng khởi). Áo dài đi mua hàng siêu thị Nguyễn Du đầu những năm 1960. Màu sắc nào dường như cũng có pha thêm màu trắng cho dịu đi.  Mắt kẻ viền ở mí trên, đánh bóng với màu xanh, nâu hay tím nhạt.
Đến thập niên 60, áo dài tay raglan xuất hiện và tôi nhớ quảng cáo đầy trên các báo với nhà may Thiết Lập ở đuờng Pasteur là mạnh nhất. Áo dài tay raglan có tay áo nối từ cổ xuống nách, xéo theo hò áo. Tay áo không có khúc nối ở lưng cánh tay. Áo trở nên ôm sát người vừa vặn và đẹp hơn. Do thành bộ phận tách bạch, tay áo có thể may bằng vải khác màu hoặc khác chất liệu khác miễn hài hòa với thân áo. Kiểu áo tay raglan thịnh hành hơn kiểu áo hở cổ do bà Trần Lệ Xuân sáng tạo dù cho đến bây giờ, vẫn có người thích bận cổ áo này để phô bờ vai tròn và trông nhẹ nhàng nếu người mặc có da có thịt. Lúc đó, nữ sinh nào lỡ mang áo kiểu này là lập tức bị giám thị bắt về nhà thay áo. Bộ áo dài của nữ công chức thì chỉ cần mang với áo ngực, nhưng với nữ sinh, ai cũng phải mang một cái áo lá bên trong. Do đó, vùng hở hình tam giác nơi eo hình thành từ hai tà áo dài và lưng quần (và tạo nên vẻ hấp dẫn của người mặc nếu không có áo lá) sẽ bị che kín hoàn toàn.
Và lúc này có thêm một sự cách tân nữa khi các cô mặc áo dài với quần tây may ống thẳng, rồi lại với quần xéo bằng hàng mềm, rất tốn vải vì xếp xéo để cắt. Diện và tha thướt hơn thì may bằng hàng mouseline mỏng, có lót bằng vải đen hay trắng. Mãi sau 1975, mốt áo dài bận với lọai vải này vẫn đuợc chuộng. Khoảng giữa những năm 60, các mốt thời trang khác như jupe hay mini jupe và các thứ váy đầm cập nhật nhanh chóng. Nhiều người nước ngoài đã ngỡ ngàng khi thấy thời trang Sài Gòn theo sau phương Tây chỉ sau một vài tháng. Và với mode, con gái Sài Gòn chấp nhận cái mới nhanh chóng rồi sau đó tự gạn lọc và tìm cách tạo nét riêng chứ không thích mặc giống nhau hay na ná nhau. Đối với họ, trời đất đủ rộng để không cần bó hẹp vào sở thích của tập thể…
Hình ảnh người đẹp Sài Gòn cũng rất gắn bó với hình ảnh chiếc xe. Có thể những năm 50, nhóm xe Mobylette hay các lọai xe của Đức như Goebel, Puch hay Sach chưa làm đuợc chuyện này vì dáng cứng, hợp với đàn ông. Đến giai đọan sau, chiếc Vespa của Ý dù do người đàn ông cầm lái đã tạo nên vẻ đẹp của …các cô khi họ được các đấng hào hoa chở trên yên sau . Chiếc Vespa của Ý màu xám và của Pháp hiệu A.C.M.A màu vàng gọn nhẹ, kiểu dáng thanh tú và có bánh xe sơ cua để vi vút từ Sài Gòn ra tắm biển Vũng Tàu mà chẳng cần đi ô tô. Lúc đó, các cô ngồi sau xe luôn ngồi một bên, hai tay ôm eo người chở. Dáng ngồi chéo đầy nữ tính vừa nhu mì vừa thể hiện nét đẹp hình thể rất rõ. Sau này, khi Honda Nhật nhập vào miền Nam, các cô bận áo dài đi làm cưỡi honda dame dành cho phụ nữ, đôi chân khép phía trước dễ dàng và tà áo được vắt lên phía trước để không nhăn. Trời nắng nên luôn đeo găng tay trông rất sang, kính mát và nhiều cô cài băng đô khiến khuôn mặt sáng lên, tóc gọn đi.
Nhưng được ca ngợi vẫn là dáng các cô đi Vélo Solex. Nguyên Sa viết: Sài Gòn phóng solex rất nhanh. Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants. Có nghe hơi thở cài vương miện. Lên tóc đen mềm nhung rất nhung …
Hình ảnh đó lay động trái tim nhiều chàng trai Sài Gòn thời ấy, và vẫn còn nguyện vẹn trong ký ức họ cho đến ngày nay.
Đặng Yên Hoà * ảnh: Đinh Tiến Mậu

Nói ” giọng” của người Sài Gòn

Giọng nói người Sài Gòn không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào của sông nước Nam Bộ, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…

Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam, có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…
Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến chất giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ có giọng Huế của người con gái Huế trầm tư mới cùng được ví von thế…Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào …mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt, giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, có cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.
Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang sang sảng riêng…Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu… Người miền khác có khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này. Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen!” – Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen!”. Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!” “thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…
Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen!”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen!”…Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!” Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen và cái “duyên” trong giọng Sài Gòn.
Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy. Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn. Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó.
Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ “dạ” khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ “vâng”. Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ “vâng”. Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói “vâng!” là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ “dạ” vào mỗi câu nói. “Mày ăn cơm chưa con ? – Dạ, chưa!”; “Mới dìa/dzề hả nhóc? – Dạ, con mới!”… Cái tiếng “dạ” đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó “thương” lạ…dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng “dạ” là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳn hay.
Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay”, “dạo này”…người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó [” nghĩa là khen cô bé đó  lắm vậy.) Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.
Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!”

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Sài Gòn trong ký ức

Sài Gòn-Chợ Lớn những năm 1971 - Khung cảnh sinh hoạt của những người buôn bán hàng hóa tại khu chợ Bình Tây. Trong ảnh chính là hình ảnh những người phụ nữ trung niên đang trưng bày buôn bán dừa khô, lá chuối. Nếu như coi kỹ trong hình, người phụ nữ đứng tuổi bận áo bà ba màu trắng đang đeo trên ngón tay chiếc nhẫn cẩm thạch. Vào thời chinh chiến binh lửa lúc ấy, buôn bán dừa khô, lá chuối mà đeo được trang sức đắt tiền cũng đã cho chúng ta thấy cuộc sống của người dân Sài Gòn nói riêng và Miền Nam Việt Nam nói chung thời bấy giờ sung túc, đầy đủ như thế nào.

Sài Gòn những năm 1964-1965 - Khung Cảnh người dân bày bán những trái bưởi trên xa lộ Sài Gòn- Biên Hòa. Nơi xa xa trong bức ảnh chính là con đường dẫn vào Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa với Đền Tử Sĩ ở phía trên góc phải hình. 

Sài Gòn 1969 - Nơi Góc ngã tư Lê Quang Định-Bạch Đằng với Trạm tuyển mộ Biệt Động Quân và Quân Y Nhảy Dù cạnh bên cột đèn phía bên trái bức hình.

(Đường Bạch Đằng chỉ là đoạn đường gần khu vực chợ Bà Chiểu. Phần còn lại của đường Bạch Đằng chạy tới gần Ngã ba Hàng Sanh mang tên là đường HÀNG SANH)


(Sài Gòn năm 1968 - Bưu điện Tân Định gần phía trước Nhà Thờ Tân Định...)

Nhớ về Tân Định & Đakao – Trần Đình Phước

Tân Định – Đakao dễ thương

Những con đường vẫn như xưa

Cho đến bây giờ, dù đã xa Tân Định và Đa Kao nhiều năm, nhưng trong tôi hai cái tên Tân Định và Đa Kao lúc nào cũng là một nổi nhớ khôn nguôi. Chúng cứ thôi thúc tôi hoài. Đã bao năm qua, tôi muốn tìm về chốn này, để sống lại với kỷ niệm thuở học trò, mà tình yêu khi đó, chỉ biết, đôi mắt nhìn nhau cũng đủ rồi. Tôi cứ hẹn đi, hẹn lại, nhưng vẫn chưa bao giờ thực hiện được ước mơ này. Rồi một dịp tình cờ đưa đến. Vào tháng 5, năm 2010. Tôi đã toại được ý nguyện. Tôi đã có hai tuần lễ đi qua, đi lại trên những con đường kỷ niệm của Tân Định và Đa Kao. Điều làm tôi rất đỗi ngạc nhiên và thích thú là tên nhiều con đường trong khu vực này vẫn như cũ.

Thật vậy, sau 30 tháng 04, năm 1975. Một số tên đường của thành phố Sài Gòn thân yêu đã bị đổi bằng những cái tên xa lạ. Nay được thấy lại các tên đường ở khu Tân Định và Đa Kao không bị thay đổi nhiều, trong lòng tôi bỗng nhiên dâng lên một sự xúc động mãnh liệt và niềm sung sướng vô cùng.

Xin mời các bạn cùng tôi tìm về những con đường kỷ niệm của khu Tân Định và Đa Kao với những bồi hồi, rung động khó quên của thời niên thiếu và không bao giờ phôi pha, dù năm tháng có qua đi.

Trước hết, xin bắt đầu là Cầu Kiệu với con đường Hai Bà Trưng đi về phía Sài Gòn. Khoảng đường này bên tay phải có hẻm vựa gạo, bác sĩ khám mắt tên Kính, tiệm bán bông cườm, thuốc cam Hàng Bạc và tiệm cà phê Hải Nàm. Phía bên phải có hẻm bán chó, tiệm trà Phật Tổ và tiệm bán xe đạp Đoàn Văn Thẩm.

Quẹo trái ở ngả ba là đường Trần Quang Khải. Phía tay trái là con đường nhỏ dẫn vô hẻm có tiệm bánh cuốn Thanh Trì ngay đầu ngỏ, đối diện là Hảng Sáo Công Ty, rồi tới trường Việt Nam Học Đường và trường Văn Lang số 51 Trần Quí Khoách do thầy Ngô Duy Cầu làm Hiệu Trưởng. Thầy mất đúng ngày 30 tháng 04, năm 1975. Đối diện trường Văn Lang là Cư Xá Kiến Ốc Cục Tân Định, dành cho công chức. Đi vào phía trong là chùa Vạn Thọ và một số chùa nhỏ khác. Phía tay phải là quán cơm cây Điệp, kế bên là hảng gạch bông Vân Sơn. Nhìn sang bên đường là trường Trung Học Tân Thạnh của Thầy Phan Út. Trước khi vào cổng trường, phải đi ngang bảo sanh viện Ngô Liêng. Bảo sanh viện này mang luôn tên bà.

Đi tiếp khoảng hai trăm thước sẽ gặp một ngả tư. Đường Bà Lê Chân bên tay phải. Ngay góc đường bà Lê Chân là quán cơm tấm của vợ chồng con trai nghệ sĩ Bảy Nhiêu. Đối diện là đình Phú Hoà, nơi các đoàn hát bộ và cải lương tập dượt. Nằm trên đường Bà Lê Chân phía bên trái có nhà in Bùi Văn Tạ, bảo sanh viện Hà Đông Hà. Trước mặt có con đường mang tên Mã Lộ. Con đường này chạy ngang phía sau chợ Tân Định. Phía đầu đường Bà Lê Chân là ngả ba Hai Bà Trưng và Bà Lê Chân. Nằm ngay góc là Y Viện Tân Định.

Từ đình Phú Hoà nhìn sang bên kia đường là đường Trần Nhật Duật. Xe chè Huỳnh Thị Ngà nổi tiếng một thời, nằm ngay góc ngả tư đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật. Đường này chạy dài tới khu nông cơ cũ. Trên đường Trần Nhật Duật có bốn con đường nhỏ đâm ngang qua. Thứ tự như sau: Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Quí Khoách và Trần Khánh Dư. Riêng, hai đường Đặng Dung và Trần Khánh Dư thì chạy dài được đến đường Trần Khắc Chân, còn gọi là xóm Cầu Mới. Trên đường Trần Nhật Duật, hẻm số 21 có tiệm ảnh Nguyễn Kỳ nổi tiếng một thời trong giớí học sinh, thích chụp hình chân dung, nhà số 10 là trường Huỳnh Thị Ngà. Bà Huỳnh Thị Ngà là một phụ nữ giỏi và đảm lược. Bà biết chèo chống và điều hành ngôi trường Huỳnh Thị Ngà, mà kế bên có nhiều trường trung học tư thục khác, lúc nào cũng sẳn sàng cạnh tranh với trường của bà. Nhờ thế trường của bà mới có thể tồn tại hơn hai mươi năm. Bà mất khoảng cuối năm 1992 tại tiễu bang Virginia (Hoa Kỳ). Đối diện trường Huỳnh Thị Ngà, xéo về đường Đặng Dung là nhà gíáo sư khiêu vũ, phía trước nhà có cây me to. Cách đó vài căn là nhà Giáo Sư Pháp Văn Huỳnh Văn Mĩ. Thầy Mĩ nổi tiếng về dạy Pháp Văn và là một trong những võ sư sáng lập môn phái Hàn Bái Đường. Không nghe nói về vợ thầy, chỉ thấy thầy đi chợ môt mình, hai tay xách cái gà mên. Thầy qua đời ở Nam Cali năm 2004, hưởng thọ 93 tuổi. Học sinh trường Huỳnh Thị Ngà rất nễ sợ thầy. Trong giờ của thầy dạy, không em nào dám hó hé vì thầy Mĩ rất nghiêm và khó. Ngoài ra, thầy cũng là thầy dạy cô hiệu trưởng Huỳnh Thị Ngà hồi nhỏ.

Bây giờ trở ngược ra đường Trần Quang Khải đi về phía Đa Kao. Trước khi đến một ngả năm. Phía bên phải là phòng nha khoa của một đôi vợ chồng. Vợ là Nha Sĩ tên Hạnh. Chồng là Không Quân Thiếu Tá Nha Sĩ Dương Quảng Định (Trung Tâm Giám Định Y Khoa Không Quân). Đi thêm khoảng ba mươi thước gặp một depot rác nhỏ. Đối diện là chỗ cho thuê sách, tiểu thuyết và truyện hiếm hiệp Đức Hưng, kế bên là tiệm hàn gió đá Sáu An. Cách đó vài căn là nơi chuyên sản xuất xích lô đạp và xe ba bánh có tên Ngọc Quế.
Khi đến ngả năm, bên tay trái là đường Trần Khắc Chân, nhìn xéo về phia tay phải là đường Nguyễn Phi Khanh. Căn nhà nằm ngay góc đường của ông Bùi Ngọc Phương. Ông tự phong cho mình là vua dầu hỏa Việt Nam và dự định ứng cử Tổng Thống VNCH. Nếu đi ngược chiều trên đường Nguyễn Phi Khanh, ngả ba đầu tiên là đường Huyền Quang, có đình Sơn Trà. Đường Huyền Quang mang tên một vị sư. Con đường dài khoảng hai mươi thước, đi hết đường Huyền Quang, quẹo trái lá Chả cá Lã Vọng. Ngả ba kế tiếp là Lý Văn Phức, có một depot rác rất lớn, nơi mà các công nhân vệ sinh đưa rác về đây, trước khi các xe lớn đến chở đi tái chế và phế thải. Cuối đường là quán cà phê bà Chi, mà các bài viết về cà phê Sài gòn đều nhắc đến. Quẹo trái gặp rạp hát Casino Đa Kao, tiệm may Cao Minh và tiệm thạch chè Hiển Khánh. Đối diên là nhà hàng Pháp tên Casino, tiệm bán quân trang Quế Anh và kế bên là tiệm Phúc chuyên làm con dấu, thêu cờ và huy hiệu. Nếu quẹo phải sẽ gặp Đền Thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Đoạn đường Trần Quang Khải từ đây ra đến đường Đinh Tiên Hoàng tuy không dài lắm, nhưng có rất nhiều cửa hiệu buôn bán. Phía bên phải, ta thấy có Pharmacy Duyệt, rồi đến bảo sanh viện Chung Nam Quế. Nơi đây các bà bầu khu Đakao và Gia Dịnh thường đến để khai hoa nở nhụy. Nhà kế bên là nhà của bà thầy bói mâp, chuyên môn coi bói bài, tiếp đó có hai tiệm bán phụ tùng và sửa xe Honda, rồi cà phê Ngọc Dung số 77 Trần Quang Khải, của hai chị em tên Ngọc và tên Dung. Đi thêm một chút nửa sẽ gặp Đình Nam Chơn. Trước đình có thờ hình ông Cọp. Bên trái cổng vào trong sân đình có cây Đa to, có lẽ đã trên trăm uổi. Thêm vài bước nửa cũng có một Phật đường nhỏ, thuộc Giáo Hội Phật Đường Nam Tông. Được gọi tên la Minh Sư Đạo Quang Nam Phật Đường. Kế bên là tiệm vàng Bảo Thành, cũng nổi tiếng về Bánh Trung Thu, giò lụa, giò thủ và bánh mứt. Trước 1975, bà Bảo Thành là chủ hầu các bải giử hai bánh lớn nhất Sàigòn như: Trường Đại học Luật khoa ở đường Duy Tân, Nha Xổ số Kiến Thiết ở đại lộ Thống Nhất, rạp hát Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo, và dọc theo hai bên đường Lê Lợi… Cách một căn là tiệm cơm Tàu có tên Dân Thiên, với các món mì xào dòn và cơm chiên Dương Châu tuyệt vời.

Tiếp tục phía bên trái. Đầu tiên là chi cuôc cảnh sát Tân Định. Kế bên là đình Công Thành Ban, chuyên trình diễn hát bộ. Trước đình cũng có thờ một ông cọp, kế bên là một ngỏ hẻm, đi ra được đường Trần Khắc Chân. Sau đó sẽ đến một dảy phố, có tiệm quay Ronéo Lửa Hồng, nơi đây quay ronéo và photocopy bài vở cho các học trò và thầy cô giáo. Ngoài ra cũng bán nhạc quay roneo sẳn, giá rất bình dân. Cách đó vài căn là một tiệm hòm. Có tiệm may Của, rồi đến nhà bà con với ông chủ rạp hát Văn Hoa. Nổi tiếng ở đoạn này là tiệm cầm đồ bình dân có tên là Kim Ngân. Bà chủ lúc nào cũng trang điểm lộng lẫy như các cô đào cải lương Thanh Nga hay Bạch Tuyết sắp lên sân khấu trình diễn. Nơi đây lúc nào cũng đông khách vì tiệm cho cầm và chuộc đồ với giá tương đối dễ thở và thủ tục thì đơn giản hơn so các nơi khác. Cách khoảng mười căn nhà, bên trái có một con hẻm lớn, nổi tiếng nhất vùng Tân Định – Đa Kao. Đó là hẻm xóm Vạn Chài. Đây là địa điểm quy tụ anh hùng hào kiệt tứ xứ. Mỗi lần có hành quân cảnh sát để bắt thanh niên trốn quân dịch thì xe cộ, súng ống rầm rộ, ca nô, thuyền nhỏ chạy dài dọc theo sông cầu Bông, đèn pin chiếu pha sáng cả một vùng. Cuối cùng kết quả chẳng đi đến đâu, vì thanh niên trốn quân dịch đã nhảy xuống sông, lặn qua bên phía Gia Định, hoặc trốn trong các con hẻm sâu, tối tăm, chằng chịt. Lực lượng kiểm soát cũng không muốn vào chỗ này, vì không an toàn cho lắm. Đặc biệt, trong hẻm có một trường trung tiểu học tư thục mang tên Văn Hiến do Thầy Phan Ngô làm Hiệu Trưởng. Thầy cũng từng ra ứng cử và đắc cử Nghị viên thành phố Sài gòn.

Ra khỏi hẻm, quẹo trái là ngay rạp hát Văn Hoa. Rạp hát này đã từng một thời là một rạp hát sang trọng của Saigon vì có trang bị máy lạnh, màn ảnh rộng và giá vé vào cửa cũng tương đối bình dân. Rạp Văn Hoa chiếu đủ các loại phim. Những lúc chiếu phim mới và hấp dẫn, bà con sắp hàng rồng rắn, kéo dài tới ngỏ xóm Vạn Chài. Khán giả nào không muốn sắp hàng, không muốn chen lấn đổ mồ hôi, để bị rách quần, rách áo hoặc bị rạch bóp, thì có thể mua chợ đen, đôi khi phải trả gấp đôi. Cũng nên nói thêm ở đây. Cạnh bên rạp hát Văn Hoa là một quán cà phê cũng đã đi vào lịch sử của cà phê Saigon. Đó là cà phê Văn Hoa. Quán được trang bị dàn âm thanh tối tân, nhạc ngoại quốc hấp dẫn luôn luôn mới nhất, chỗ ngồi thanh lịch, vị trí thuận lợi và do hai chị em ruột là bà con với ông bà chủ rạp Văn Hoa đứng bán. Cô chị có tên TBD và cô em có tên TBH. Hai chị em đều là nữ sinh trường trung học Huỳnh Thị Ngà. Lúc nào đi học, cả hai cô đều mặc đồ đầm rất xinh xắn. Trông giống búp bê không tình yêu. Nghe đâu cũng có khối anh đến uống cà phê thường xuyên mỗi ngày, trong số đó có anh là ca sĩ một ban kích động nhạc nổi tiếng về bài hát Sunday Morning. Ngày nào anh ta cũng đến quán ngồi đồng, vừa thuởng thức cà phê, vừa trồng cây si cô em TBH. Gia đình Cô TBD hiện ở Montréal, còn gia dình cô TBH từ Montréal chuyển về Pleasanton (California.) vì phu quân cô có công việc làm thích hợp ở đây.

Đoạn đường còn lại, phải nhắc đến một quán cơm xã hội, chuyên phục vụ cho giới bà con lao động, xe ba gác, xe xích lô, công tư chức và học sinh, sinh viên nghèo. Giá rất bình dân, chỉ duy nhất năm đồng. Thức ăn gồm ba món, thay đổi mỗi ngày. Cơm ăn thoải mái, ăn cho đến khi nào no thì thôi. Ngoài ra, còn được tặng thêm một trái chuối tráng miệng và ly trà thơm, nóng bốc khói. Sau đó phải kể thêm hai tiệm bán xi măng, gạch, cát và đá cha truyền con nối là Tấn Phát và Tâm Long. Nay chỉ còn tiệm Tâm Long tiếp tục, địa chỉ số 8 Trần Quang Khải, có lẽ cửa hàng đã hơn nửa thế kỹ. Một chút nửa thì bỏ sót tiệm may áo dài tương đối nổi tiếng là Phương Luân và hiệu ảnh Ngọc Chương ở kế bên. Hết đường Trần Quang Khải thì gặp đường Đinh Tiên Hoàng. Quẹo trái sẽ găp một quán bán thịt gà, thịt vịt và thịt heo quay. Cạnh đó là một tiệm chuyên sửa xe vespa và Lambretta. Nhìn sang bên kia đường là tiệm may áo dài Thanh Châu. Tiệm mang tên người con gái lớn nhất. Tiệm may Thanh Châu rất nồi tiếng, chuyên may áo dài cho các ca sĩ và áo cưới cô dâu. Hiện nay tiệm may Thanh Châu vẫn còn và có rất nhiều khách đến may mỗi ngày. Kế bên là tiệm bán và đóng giầy Đông Hưng.

Bên kia đường Trần Quang Khải là đường Nguyễn Huy Tự. Phía tay phải có chợ Đa Kao. Trước khi tới chợ Đa Kao, sẽ gặp một gánh chè chỉ bán đậu đen. Bà bán chè, người miền bắc di cư. Bà chỉ bán vào buổi chiều. Chè đậu đen bà nấu, hạt rất dẻo, hương vị ngọt đậm đà. Thú vị nhất là ngồi chồm hỗm ăn chè nóng dưới cơn mưa lất phất của Sài Gòn, vì không có ghế cho khách. Một con đường chạy ngang chợ Đa Kao là đường Trương Hán Siêu. Bên trong có đền thờ nhà cách mạng Tây Hồ Phan Chu Trinh và quán bánh cuốn tráng hơi, mang tên Tây Hồ. Bà chủ bánh cuốn có tên là bà Cà. Bà khởi nghiệp năm 1960, bằng một cái quán xập xệ, một ít bàn ghế thấp lè tè và mấy tấm bạt cũ để che mưa. Bên phải có Tín Nghĩa Ngân Hàng. Khi chiều đến, có quán cháo lòng, mà bà chủ rất khó tánh. Bà luôn luôn ưu tiên bán trước cho nam gìới, còn nữ gìới thì bà cho đợi mút chỉ cà tha. Cô hay bà nào không chờ được thì đi kiếm chỗ khác. Nếu thắc mắc, khiếu nại thì bà sẽ từ chối, không bán.

Đường Nguyễn Huy Tự rất ngắn, khoảng chừng ba mươi thước. Chấm dứt khi đụng đường Nguyễn Văn Giai. Chạy thẳng là Viện Nhu Đạo Quang Trung của Thượng Toạ Thích Tâm Giác. Nguyên Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo. Đối diện với Viện Nhu Đạo Quang Trung là một ngôi chùa lâu đời của người Hoa, mang tên chùa Ngọc Hoàng. Đặc biệt, trong chùa có một cái hồ lớn và sâu. Nhà chùa thả rất nhiều rùa, có những con sống đã vài chục năm trở lên.
Đường Nguyễn Huy Tự, quẹo trái là đường Bùi Hữu Nghĩa. Có một cây cầu sắt cũ. Nếu quẹo phải sẽ găp đường Nguyễn Văn Giai. Đi hết đường Nguyễn Văn Giai sẽ gặp đường Đinh Tiên Hoàng, nhìn sang phía bên kia đường là đường Huỳnh Khương Ninh. Bên trái là rạp hát Asam, nay đã xây thành chung cư và tiệm thuốc tây Lịch Cường. Pharmacy mang tên của Dược Sĩ Tống Lịch Cường. Đầu đường Huỳnh Khương Ninh, có xe bánh mì Bảy Quan với bánh mì thịt dăm bông và ba tê rất độc đáo. Trên con đường này còn có trường trung học Huỳnh Khương Ninh. Đi hết đường Huỳnh Khương Ninh sẽ gặp đường Phan Liêm. Đường chạy dài, dọc theo bên hông Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi. Trên đường Đinh Tiên Hoàng giữa khoảng đường Phan Đình Phùng và Phan Thanh Giản có hai nhà hàng Pháp nổi tiếng là Chez Albert và La Cigale. Ngoài ra cũng phải kể thêm hai quán cà phê đã đi vào gia phà cà phê Saigon trước năm 1975. Quán thứ nhất là cà phê Hân mà tất cả mọi thứ đếu làm bằng inox từ phin, muỗng, tách đựng đưòng, đựng sữa và quán thứ hai là cà phê Duyên Anh. Quán mang tên nhà văn Duyên Anh, nhưng hoàn toàn không dính dáng đến nhà văn này. Cô bé ngồi tính tiền tên Q. có nụ cười xinh xinh, đôi mắt tròn, đen láy và tóc dài thắt bím rất dễ thương. Cô làm cho bao nhiêu đấng anh hùng mê mệt. Cô cũng còn là đề tài cho các chàng thi sĩ tài tử đến vừa thưởng thức cà phê, vừa làm thơ sầu mộng.

Khu Đa Kao có thể kể thêm những con đường tên vẫn như cũ là: đường Nguyễn Bỉnh Khiêm với hai trường trung học công lập Trưng Vương, Võ Trường Toàn và hồ bơi Nguyễn Bĩnh Khiêm, đường Nguyễn Thành Ý, đường Phan Kế Bính có Hội Văn Hoá Bình Dân do ông Huỳnh Văn Lang Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái làm Chủ Tịch, đường Mạc Đĩnh Chi với Billards Trường Cang, nhà hàng Trường Cang, Hội Việt Mỹ và Ty Cảnh sát Quận 1, đường Trần Cao Vân, Phan Tôn, Phan Ngữ, đường Phùng Khắc Khoan với tư gia Đại Sứ Hoa Kỳ. Đường này cũng là một con đường đẹp, có nhiều lá me bay của Saigon.

Cuối cùng trở về khu Tân Định. Xin chỉ ghi ra những con đường không bị đổi tên là: Nguyễn Văn Mai nối hai đầu đường Hai Bà Trưng và đường Huỳnh Tịnh Của. Một đường nữa là Đinh Công Tráng, với món bánh xèo nổi tiếng, trường (Tân Thịnh, Les Lauries, Văn Minh) và tiệm chụp hình Duy Hy. Ngay góc Hai Bà Trưng và Đinh Công Tráng là tiệm thuốc Kính Tiên. Phía đối diện là trường Thiên Phước, nhà thờ Tân Định và cách nhà thờ Tân Định khoảng hơn mười thước là cà phê Thu Hương danh tiếng một thời. Ngoài ra, cũng xin kể thêm đường Pasteur. Nơi đây có nhiều tiệm phở, có quán cà phê Hồng và có viện Pasteur, chiếm một chu vi rất rộng, có bốn con đường bao quanh, với những cây cổ thụ to đến nổi năm, sáu người ôm vẫn không xuể. Ngay ngã ba Nguyễn Đình Chiểu và Pasteur, có một cái mả đá rất lớn được xây bằng đá ong đã bị giải tỏa, nhìn đối diện là trường ngõ hẻm vô trường Anh Văn Khải Minh. Xin phép được dừng ở đây. Hy vọng các bạn đã tìm lại được một chút hương xưa của ngày tháng cũ năm nào..

Một lần nửa Tân Định & Đa Kao mãi mãi trong tiềm thức của chúng ta.

Trần Đình Phuớc

(San José – California 2010)

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Chuyện Về Bức Tượng Thuỷ Quân Lục Chiến Ở Sài Gòn

Chuyện Về Bức Tượng Thuỷ Quân Lục Chiến Ở Sài Gòn

« Lão Xit đẻ ở nước Nga , cớ sao sang đứng vườn hoa nước mình?»
Thằng cháu con ông anh ngâm xong câu thơ rồi quay sang hỏi tôi :
- Chú có thể cho cháu biết « lý lịch » của bức tượng hai người lính TQLC trước toà nhà Quốc Hội ở Sài Gòn được không ?
- Ư , ư ! Tưởng cháu hỏi lý do lão Xít lão Mao tại sao lại bị gậy sang ăn mày nước ta thì chú sẽ giải thích cặn kẽ rõ ràng, còn hỏi về bức tượng TQLC đứng trước toà nhà Quốc Hội thì quả thực chú không rành lắm , chú không biết !
- Chuyện lão Mao lão Xít muốn thịt dân ta thì tụi cháu cũng còn biết, huống chi là người lớn. Nhưng các chú thường hãnh diện là lính Mũ Xanh, đi hành quân từ Bến Hải đến mũi Cà Mau, từ Cao Nguyên xuống đầm lầy, có mặt khắp mọi miền đất nước, vậy mà ngay tại trung tâm thủ đô VNCH có bức tượng TQLC nổi tiếng mà chú không biết gì về lý lịch của bức tượng này thì lạ thật !
Thằng cháu con ông anh bỏ lửng câu hỏi rồi mỉm cười khiến tôi nóng mặt . Nhưng sự thật là vậy thì biết phản ứng ra sao , thôi thì đành hứa với cháu là chú sẽ tìm hiểu rồi trả lời sau .
Nghĩ lại mà ngượng và buồn, gia đình tôi có ba anh em đều là lính và hiện tỵ nạn tại Little SG nên mỗi cuối tuần, anh em tôi luân phiên họp mặt cả ba gia đình với con cháu, nhân dịp này cha chú kể chuyện đời lính cho thế hệ sau nghe. Người em kể về đời lính Không Quân, ông anh Cảnh Sát nói chuyện đô thành, còn tôi TQLC nói về hành quân và lao tù CS, như vậy là đầy đủ những chuyện trên trời dưới đất và hoả ngục. Vậy mà tôi lại mù tịt về bức tượng nổi danh của Binh Chủng sừng sững giữa trung tâm thủ đô ! Buồn thật ! Ta buồn ta đi hỏi.
Hỏi từ các anh cao đến em thấp trong binh chủng, hỏi trên diễn đàn TQLC, mỗi người cho một tin, góp một ý, tất cả đều do trí nhớ cách nay đã hơn 40 năm. Những ý kiến tương đối chính xác, nhưng rất tiếc không tìm được tài liệu trên giấy tờ để chứng minh cụ thể nên tôi chỉ xin ghi lại, xem như một giai thoại về bức tượng hơn là một 

« tài liệu » chính thức. Vì vậy nếu có những chi tiết không phù hợp với ý nghĩ của bất cứ ai thì xin miễn trách .
Năm 1966, Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ giao cho mỗi đơn vị quân đội dựng một biểu tượng cho đơn vị mình tại các công viên hay công trường trong thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, những kiến trúc ấy như sau :
- Hải Quân dựng tượng thánh tổ Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng
- Không Quân với « Tổ Quốc và Không Gian » trước toà Đô Chính .
- TQLC với bức tượng 2 người lính ở vườn hoa trước Quốc Hội .
- Pháo Binh có biểu tượng trước hội trường Diên Hồng .
- Truyền Tin với thánh tổ Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành .
- Thiết Giáp là Phù Đổng Thiên Vương tại bùng binh ngã sáu Saigon
- BĐQ có tượng 3 người lính tại ngã sáu Lý Thái Tổ.
- Nhẩy Dù có biểu tượng đặt trước bệnh viện Sùng Chính.
- Quân Nhu đặt biểu tượng trên đường Hồng Bàng Chợ Lớn.
- Quân Cụ đặt biểu tượng trên đường Khổng Tử.
Cảnh Sát đặt hai nhân viên đứng thao diễn nghỉ trên đường Thành Thái ...
Cái lý do Thủ Tướng cho thiết lập các biểu tượng này là muốn thay đổi nét mặt của thủ đô đẹp hơn và cũng mang một dáng dấp « Nội Các Chiến Tranh ». Nhưng thời gian đó cũng có những cuộc biểu tình phản chiến thường tập trung tại những địa diểm này để phản đối chính phủ, đồng thời nhiều tin đồn là một số tu sĩ của tôn giáo nọ dự định chiếm các nơi này để dựng những « hình ảnh » tôn giáo với mục đích làm khó dễ chính phủ nên chính phủ phải ra tay trước 
( người viết xin nhắc lại đây chỉ là tin đồn , thực hư tuỳ người nghe), giao cho các đơn vị quân đội thực hiện biểu tượng của mình thật gấp với lý do để kịp khánh thành vào ngày kỷ niệm NCCT chấp chánh.
Vị trí cho từng đơn vị thì được bốc thăm (?) và chính phủ cấp cho mỗi đơn vị một ngân khoản rất hạn chế. Ngân khoản hạn chế, thơi gian gấp rút nên đa số các biểu tượng không được đúng với tiêu chuẩn nghệ thuật. Đẹp và có ý nghĩa nhất là tượng Phù Đổng Thiên Vương, Thánh Tổ Thiết Giáp ( TTTG ), Đức Trần Hưng Đạo 
( TTHQ ), ĐứcTrần Nguyên Hãn ( TTTrTin ).Người viết không dám có ý kiến về các biểu tượng khác, nhưng riêng về biểu tượng của TQLC là hai người lính trước toà nhà Quốc Hội thì nhiều người cho là có vị trí đẹp nhất. Nhưng với tôi, vị trí lý tưởng nhất là công viên trước toà Đô Chính với biểu tượng « Tổ Quốc và Không Gian » của KQ, và tượng Đức Trần Hưng Đạo của HQ tại công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng.
Nói về tượng TQLC, hoạ sĩ Lương Trường Thọ ( TTHL/TQLC ) góp ý :
- « Tượng TQLC đặt trước Quốc Hội là một vị trí đẹp nhất của đô thành Sài Gòn, chính vì vậy mà được nhiều người biết đến. Đầu tiên là Thiếu Tá Huỳnh Huyền Đỏ, thuộc bộ TTM làm phác thảo mẫu tượng với ba người lính TQLC. Th/Tá Đỏ là điêu khắc gia xuất thân trường Mỹ Thuật Gia Định , khi đang thực hiện công trình này thì vì một lý do nào đó ông không thể tiếp tục được nữa nên giao công việc đang còn dang dở cho TQLC.
Vì phải hoàn thành đúng thời hạn để kỷ niệm ngày chấp chánh nên TQLC giao cho Thiếu Uý Đinh Văn Thuộc tiếp tục công việc với sự góp ý và hường dẫn của Hoạ Sĩ Lê Chánh ( BTL/TQLC ) và HS Lương Trường Thọ ( TTHL/TQLC ).
Thiếu uý Đinh Văn Thuộc là đại đội trưởng đại đội Công Vụ TQLC. Tuy không là hoạ sĩ hay điêu khắc gia mà chỉ là tay ngang, tay súng vậy mà ông cùng anh em đại đội Công Vụ đã nhận lãnh trách nhiệm do trên giao, họ làm việc liên tục 24/24 và anh em đã hoàn thành nhiệm vụ.
Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã tốn công tốn của và được phủ tồng thống yểm trợ tối đa nên mới hoàn thành được bức tượng 
« Tiếc Thương », còn Thiếu Uý Đinh Văn Thuộc và anh em binh sĩ TQLC chỉ là tay ngang mà đắp được bức tượng đồ sộ như thế thì đáng khâm phục , không thể phê bình hay đòi hỏi gì hơn về nghệ thuật chuyên môn như của một điêu khắc gia được .
Nhưng bức tượng hai người lính TQLC lại là một bức tượng nổi tiếng , nhiều người biết đến do nhiều nguyên nhân , một trong những nguyên nhân đó có thể là do hướng súng đại liên, và nhất là trong ngày cuối cùng của VNCH, một vị anh hùng đã chọn chân tượng đài TQLC để tự sát, chết theo thành ( phố ).
Chi tiết này là nguyên do chính được nhiều người biết đến và cũng là lý do khiến bức tượng hai người lính này « vất vả » với các vị dân cử ngồi trong toà nhà quyền lực cao nhất nước! Lính TQLC thật thì đang vất vả với súng đạn khói lửa, sống chết trong nháy mắt trên khắp chiến trường để bảo vệ chế độ. Khi họ đã hy sinh mạng sống, hồn thiêng về ngồi nghỉ bên bức tượng thì lại bị các vị dân cử trong Quốc Hội hỏi « giấy phép » và bắt đi chỗ khác chơi!
Tại sao? Vào thời điềm này thì các vị dân cử thường « mổ bò » thay vì bàn quốc sự , môt số dân cử trốn lính « trốn làm » quay sang đối lập với Nội Các Chiến Tranh nên tranh dành đủ thứ gây ra tình trạng hỗn loạn và rồi đổ thửa tại hai người lính TQLC hướng súng vào toà nhà Quốc Hội khiến họ bị xúi-quẩy!
Đồng thời một vị Dân Biểu bị ám sát chết ( Dân Biểu Văn ) nên một số vị dân cử càng tin « cuốc hội xui xẻo » vì cái họng súng đen ngòm kia! Dị đoan bói toán đã là một « yêu » điểm của các ông tai to mặt lon ở hậu phương nên các ông này chính thức lập phái đoàn để chất vấn TQLC về lý do tại sao lại cho lính ôm súng « xung phong vào Quốc Hội? ».
Thiếu Tá Lê Đình Bảo, Trưởng Phòng Chính Huấn BTL/TQLC nói:
- Một phái đoàn gồm Nghị Sĩ và Dân Biểu ( Th/Tá Bảo có nêu đích danh một số vị nhưng người viết xin miễn ghi, phí giấy ) họp và thảo luận với BTL/TQLC về bức tượng với mục đích muốn dời tượng đi chỗ khác. Lý do là súng đại liên TQLC chĩa vào Quốc Hội? Nhưng một vị thuộc BTL xác định với phái đoàn như sau:
- « TQLC không hướng súng vào Quốc Hội mà là bảo vệ Quốc Hội , súng TQLC nhắm vào bên hông trái* QH, nơi có hang ổ của phản chiến và nội tuyến. Quý vị có thể ra tận nơi để xác định hướng súng . Hơn nữa, mỗi ngày có hằng trăm anh em chúng tôi hy sinh tại chiến trường trong khi ở hậu phương chỉ có một dân cử bị nạn mà quý vị đòi dẹp bỏ biểu tượng của TQLC chúng tôi !».
( Xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm về vị trí nhà hàng Givral và khách sạn Continental. Nếu chúng ta đứng dưới chân tượng TQLC nhìn về QH thì bên tay trái chúng ta, góc đường Lê Lợi và Tự Do là nhà hàng Givral, băng qua đường Tư Do là khách sạn Cotinental, cả hai nơi này là tụ điểm của những nhà báo và những tên tình báo thường xuyên lui tới để trao đồi tin tức, luận bàn tình hình chính trị và chiến trường thường có khuynh hướng bất lợi cho chế độ VNCH).
Thú thực khi được Th/Tá TP/CH nhắc lại lời của cấp chỉ huy ngày trước, cách nay gần nửa thế kỷ , mà tôi cảm động đến nóng người , như trông thấy ông là «cây tùng trước bão», trông thấy ông như bức tượng đồng trơ gan cùng « tuế nguyệt ». Tôi kính phục ông, kính phục ông, chỉ tiếc một điều là ông thiếu một cái nắm tay đập mạnh xuống mặt bàn, ngón tay chỉ ra cửa ... « get out » .
Rồi những con người « dị đoan » kia ra đứng dưới « chân » bức tượng để nhắm hướng và quả thực họ đã nhận thấy mũi súng của anh lính TQLC hướng thẳng vào ổ gián điệp , vào lũ phản chiến, một bọn luôn mong nền Đệ Nhị Cộng Hoà sụp đổ! Nhưng hai người lính TQLC vẫn sừng sững giữa thủ đô trong khi những người muốn đuổi họ đi chỗ khác thì đã cao bay xa chạy! Tụt quần mà chạy , bỏ lon bỏ chức mà chạy và họ đã cảm thấy an toàn hạnh phúc, thở phào nhẹ nhõm khi được chùm lên người một bộ áo giáp an toàn: 
« Thuốc DDT », còn hai anh lính vẫn vững tay súng, họ chỉ sụp đổ sau khi chế độ đã bị giật sập!
Nhưng bức tượng hai anh lính TQLC không cô đơn, còn có một anh hùng khác cũng thác theo thành ( phố ) ngay bên cạnh các anh. Ông Phan Tấn Ngưu, THT Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gian VN Hải Ngoại xác nhận:
« Người tự sát dưới chân tượng đài TQLC là Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long , Ông là Chánh Sở Tư Pháp vùng I, mới vừa di tản về Saigòn. Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn long có biệt danh là ... « Long-Lý ».
Người ta gọi ông là Long-Lý, vì ông làm việc với phương châm       « Pháp bất vị thân ». Thân sơ gì cũng không tha, một khi vi phạm luật pháp quốc Gia thì chỉ có nhẹ thì giam, nặng thì « trảm ». Dễ gì có được một « Bao Công » thời đại như ông, tôi xin kính cẩn cúi đầu lạy ông: Ông Long-Lý.
Trở lại cây súng của hai anh linh TQLC, Tr/Tá Đoàn Trọng Cảo nói:
- Khi đặt bức tượng, các thẩm quyền TQLC cũng suy nghĩ nhiều lắm, không phải vì lý do phong thuỷ quỷ quái gì cả mà vì vấn đề tế nhị, không thể để hai cái mông hướng về các vị dân cử được, mà phải là hướng mặt về cơ quan quyền lực nhất nước. Nhưng phải xê dịch làm sao cho mũi súng chếch sang một bên, sang bên trái thì có ý nghĩa hơn. Continental là nơi bọn phá thối, bọn ăn cơm Quốc Gia thờ ma VC hay ngồi bàn chuyện « dại sự », hãy hướng mũi súng về đó .
Chỉ huy là tiên liệu, cấp chỉ huy của chúng tôi đã tiên liệu và sự việc đã xảy ra đúng như dự đoán, các cấp chỉ huy của chúng tôi đã đi « bốt-đờ-sô » vào trong bụng mấy anh dân cử đối lập cuội nhưng phản chiến thực. Để kiểm chứng, tôi gọi cho cựu Dân Biểu Tô Đức H đơn vị Lâm Đồng, hiện ở Alhambra:
- Ê H ... hồi đó có chuyện mấy tên dân cử đòi bứng tượng TQLC đi không ?
- Có, nhưng họ bị hố, khi xem lại thì mới biết súng nhắm vào Continental .
- Có , nhưng họ bị hố , khi xem lại thì mới biết súng nhắm vào Continental.
Nội dung bức tượng hai người lính TQLC như vậy là tuyệt vời, đầy đủ ý nghĩa, nhưng hình thức thì... với cái nhìn méo mó mắt trần của cá nhân tôi thì có một vài khuyết điểm, thí dụ như lòng cây súng đại liên ngắn quá. Còn cái mông của người lính thì ôi thôi ... đời lính hành quân chỉ nhá toàn cơm sấy với rau rừng, khô cá mối, thịnh soạn thì may ra có thêm thịt ba-lát ration C thì lấy gì tẩm bổ mà cái mông to thế! Nghe tôi phê bình nghệ thuật, mấy MX bên cạnh kê nhẹ một phát:
- « Anh không thích mông to nhưng nhiều người lại yêu nét duyên dáng ấy ».
Thấy các tay súng này bắt đầu bàn ngang, bắn hoảng, hs Thọ vội giải thích:
- Một điêu khắc gia chính hiệu có khi ngồi hằng giờ chỉ để sửa lại một nét trên tác phẩm của họ, có khi sửa hôm nay, mai đục đi đắp lại, nghệ thuật mà, trong khi Th/Uý Thuộc và anh em thuộc ĐĐ Công Vụ chỉ là tay ngang lại phải đắp tượng trong điều kiện « khắc nghiệt », thời gian bị hạn chế, tự lo tìm vật liệu thì không có bất cứ một nhà điêu khắc nào làm hơn các anh được. Theo bản vẽ lúc đầu của điêu khắc gia Huỳnh Huyền Đỏ là ba người lính, nhưng khi toán Th/Uý Thuộc đắp thì chỉ có hai, có lẽ vì đắp lớn quá nên thiếu chỗ.
- Thực ra các với sự góp ý của hoạ sĩ Lê Chánh, các anh đắp cũng nghệ thuật lắm, nhưng vì toàn trọng lượng của bức tượng này quá nặng, phải dùng xe cần cẩu để đưa vào đúng vị trí , lại phải xê dịch nhiều lần theo ý của cấp trên sao cho hướng súng không « trực xạ » vào Quốc Hội, vì thế lòng súng bị cong và mông người lính bị nứt ! Ngày khánh thành gần kề , không còn thời gian sửa chữa nên ông Thuộc cho cưa bớt phần cong lòng súng đi. Còn cái mông anh lính ? Lại phải độn thêm, đắp thêm nhiều lớp đề che đi chỗ bị nứt và kết dính các bộ phận khác vào với nhau, đó cũng là một nghệ thuật .
Người viết lại tiểu sử bức tượng hai người lính TQLC trước toà nhà QH/VNCH với sự góp ý khá chính xác của những nhân chứng sống, nhưng vẫn xin được xem như câu chuyện « bên lề » vì thiếu tài liệu chứng minh. Trong tương lai nếu có những góp ý khác tôi sẽ xin bổ sung sau, nhưng nếu ai chưa có tài liệu chính xác mà phản bác điều tôi ghi chép thì tôi xin miễn trả lời đúng sai.
Nhưng có một điều mà những ai có một tấm lòng của con người thì đều thấy sai, đó là hành động phá bỏ những tác phẩm nghệ thuật của bọn Taliban. Taliban chính hiệu lấy súng cà-nông bắn nát những bức tượng Phật, bọn taliban cu-mu-lít vixi thì!!! Bần tiện hơn, chúng đục đẽo bào gọt phá bỏ cả bảng tên kỷ niệm những nạn nhân hy sinh trên đường tìm tự do ở một hòn đảo hoang vu ngoài lãnh thổ VN thì chúng tha gì những hình ảnh của VNCH, dù là nghệ thuật.
Tô Văn Cấp , C/N 2012/12/31











Ngày QLVNCH 19/6-Nhìn Về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa Trước 1975



Ngày QLVNCH 19/6-Nhìn Về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa Trước 1975 - Huyền Thoại Về Tượng Thương Tiếc

Trần Công Nhung

Chuyện hiển linh xưa nay không hiếm, nhưng những huyền thoại về Tượng Thương Tiếc, sống động như chuyện đời thường, chuyện hàng ngày trước mắt, khiến cho ai nghe cũng cảm động nghiêng mình kính cẩn và hết lòng thán phục.

Huyền thoại về Tượng Thương Tiếc được lan toả khắp nơi và khá nhiều chuyện tình tiết khó hiểu:

- Các xe chở rau từ Đà Lạt về khuya thường gặp một người lính ra chặn xe xin mua rau, khi tới bến kiểm lại tiền chỉ thấy toàn là tiền vàng mã.

- Một chuyện khác xảy ra ở Biên Hoà, vào một buổi sáng, có một quân nhân đặt mua bánh mì khá nhiều, khi giao hàng cho người quân nhân ra về, người chủ cất tiền vô tủ, đến lúc cần tiền lấy hàng, mở tủ ra chỉ thấy toàn tiền vàng mã, trong khi đó mỗi mộ ở nghĩa trang đều được cúng một khúc bánh mì…

- Có một cụ già ở chân núi Châu Thới, đêm nọ trời đã khuya, cụ nghe tiếng gọi ở ngoài xin nước uống. Khi đem nước và đèn ra cho người xin nước, thoạt đầu cụ tưởng như những lần quân đội hành quân vào xin nước. Nhưng khi người lính uống xong, ngẩng mặt lên cám ơn ra đi thì cụ chợt sửng sốt, tự nghĩ "sao lại có người lính giống Tượng Thương Tiếc đến như thế?". Sáng hôm sau cụ già ra nghĩa trang để kiểm lại, cụ nhận thấy mặt mũi vóc dáng anh lính xin nước tối qua y hệt pho tượng Thương Tiếc, vết sình non hãy còn dính đầy đôi giầy trận, cụ cho rằng đêm qua bức tượng đã hiện thành người. Cụ về thuật lại với bà con ở Suối Lồ Ô, một người đi xem rồi về đồn mười, đồn trăm… lan khắp cả Thủ Đức, Tân Vạn, Biên Hoà, đổ nhau đi coi tượng đài Thương Tiếc làm xe cộ kẹt cứng cả một quãng đường trước cổng nghĩa trang.

- Một chuyện khác, những đêm trăng, những đêm mưa gió trở trời hiu hắt, dân chúng xung quanh vùng nghĩa trang có người nhất quyết chính mắt họ trông thấy người lính giống hệt Tượng Thương Tiếc đi lại trên xa lộ!

Chuyện huyền bí lan truyền rất nhiều trong dân chúng và trong Quân Đội. Một số sĩ quan yêu cầu Chuẩn Úy Thường Vụ Chung Sự Nghĩa Trang cho biết những gì thật sự mắt thấy tai nghe, Chuẩn Úy Thường Vụ Kể:

"Nhân một hôm đi Chợ Tam Hiệp sắm đồ giỗ ông già, khi mua xong, tôi cho tài xế đem về nhà trước. Tôi ghé thăm các bạn ở Tam Hiệp và mời họ đến nhà ăn giỗ ngày hôm sau. Khi về, trời sẩm tối, đến cổng nghĩa trang, tôi nghỉ chân dưới bức tượng. Không biết cao hứng thế nào, trước khi lội bộ về nhà, tôi nhìn lên tượng, và nói với giọng điệu cố hữu của một Thượng Sĩ đại đội:

- Ê mày, mai giỗ ông già tao, mày có rảnh ghé nhà tao 2 giờ chiều nhậu chơi.

Nói xong tôi bước về nghĩa trang vì tôi ở phía sau khu nhà phục dịch chung sự. Tám giờ sáng hôm sau, việc cúng giỗ bắt đầu và tiệc nhậu kéo dài đến một giờ chiều. Tiễn khách ra về xong, tôi đi ngủ, phần vừa say, phần vì đêm qua thức khuya. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng gõ cửa ầm ầm. Nhà cửa rung rinh, tôi giật mình la to:

- Ai phá nhà tao đó?

Tiếng gõ cửa vẫn không dứt, tôi bực bội đứng dậy mở cửa, tôi sửng sốt, thấy Tượng Thương Tiếc đứng chình ình trước cửa và nói:

- Chuẩn Úy Thường Vụ Bê bối quá, kêu hai giờ chiều đến nhậu, nhưng ông nằm say sưa ngủ tôi nhậu với ai?…

Tôi hoảng, đóng sập cửa lại, không dám ngó ra ngoài. Tôi nghe tiếng cười khằng khặc và bước đi rung rinh nhà, tiếng chân xa dần rồi im bặt".

Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Đại Đội Chung Sự Nghĩa Trang Biên Hoà kể trường hợp ông gặp Tượng Thương Tiếc ngồi sau xe Jeep của ông:

"Khi chạy xe vào Nghĩa Trang, tôi hay dừng lại, đón những binh sĩ đi bộ từ cổng vào, cho họ đỡ mỏi chân. Một buổi trưa, ăn cơm xong, trở lại làm việc, lúc tới cổng nghĩa trang, tôi dừng xe đón một Hạ Sĩ xin quá giang. Lúc anh ta ngồi vào phía sau, tôi bắt đầu rồ ga, sang tay số tiếp tục chạy vào trong. Rồ ga hoài mà xe không tiến thêm một tí nào… Tôi quay ra, định nhờ anh lính xuống đẩy giùm… thì thấy bức Tượng Thương Tiếc đang ngồi phía sau. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì có tiếng nói cất lên:

- Xe jeep Thiếu Tá sao chở nổi tôi…

Tiếp đó là một tràng cười khằng khặc, đồng thời bức tượng cũng biến mất".

Vị Thiếu Tá còn kể tiếp:

"Nghĩa trang ở trên đồi vào tháng mưa cỏ mọc um tùm nên phải thuê người vô cắt cỏ. Trong lúc một cô đang cắt cỏ, có một anh binh sĩ đến tán tỉnh, vì quen với lối trêu chọc của lính nên cô chẳng thèm quay lại xem hình dáng người tán tỉnh mình là ai. Cô nghe tiếng người lính hỏi:

- Cô có biết tôi là ai không?

Cô gái vẫn cắm cúi làm việc và trả lời:

- Ông là ai, kệ ông chứ mắc mớ gì tôi…

Bỗng cô gái nghe một tràng cười ngạo nghễ từ phía sau và những bước chân thật nặng nề rung chuyển cả đất. Bấy giờ cô mới quay lại, thấy bức tượng đài kỷ niệm đang đứng trước mặt. Cô la hoảng, chạy vào khu làm việc, kể lại sự tình vừa xảy ra cho tôi nghe, đồng thời cô cũng xin nghỉ việc ngay ngày hôm đó…"

- Một chuyện khác:

"Vào giữa một đêm trăng mờ năm 1968, một chiếc xe đò chở đầy hành khách từ miền Trung về, khi tới xa lộ còn cách nghĩa trang quân đội 500 thước, viên tài xế bị ngủ gật nên thắng gấp, khiến bánh xe trợt một đoạn dài, rồi lật nghiêng. Trong lúc mọi người đang khóc than, đang tìm cách đập vỡ cửa kiếng chui ra, thì chợt có tiếng nói vang lên:

- Xin đồng bào bình tĩnh... xin đồng bào bình tĩnh... ai đâu ở đó... đã có lính nhảy dù đến cứu bồ.

Tiếng nói vừa dứt thì xe được đẩy lại dựng đứng như cũ, anh tài xế cùng lơ xe và khách vừa mở cửa ra ngoài, vừa hết lời khen sức mạnh ghê gớm của đại ân nhân. Thế nhưng mọi người chỉ thấy ân nhân dáng người cao lớn đứng sừng sững bên kia đường, rồi ông ta bước từng bước rất dài về phía trước. Tới trước cửa nghĩa trang quân đội thì biến mất. Anh tài xế bỗng la thất thanh, chỉ vào Tượng Thương Tiếc:

- Bà con ơi... ổng đó... ổng đó... Trời ơi... trời ơi... ổng hiển linh cứu bà con mình.

Thế là mọi người vội leo ngay vào trong xe, rồi ai nấy đều chắp tay lạy... đều đọc kinh râm ran... cả kinh Phật lẫn kinh Chúa".

- Chuyện Tượng Thương Tiếc cứu người bị cướp:

"Vào lúc 10 giờ tối tháng 3 năm 1969, có hai cặp tình nhân đi trên hai chiếc Honda ra xa lộ hóng gió, gần tới nghĩa trang thì bị ba chiếc khác chở 6 thanh niên tóc dài ép té bên đường. Liền sau đó 3 tên ngồi phía sau nhảy xuống dùng dao uy hiếp khổ chủ để cướp xe và lấy tiền. Trong lúc bọn cướp cạn đang trói các nạn nhân, thì bỗng có tiếng hét lớn trên đầu dốc:

- Chớ làm càn... chớ làm càn.

Rồi liền đó xuất hiện ở giữa đường xa lộ một bóng đen... Bóng đen khệnh khạng đi tới, một tên cướp hoảng hốt gào lên:

- Ối giời ơi... ma ma, chạy... chạy...

Thế nhưng không làm sao chúng chạy được, cứ thế đứng sững như trời trồng, bóng đen hai tay xách bổng hai chiếc Honda bỏ bên vệ đường, vừa lúc đó có bốn chiếc xe chạy đến, một xe Cảnh Sát đi tuần, một xe Jeep của bốn quân nhân nhảy dù, trên có một Trung Tá, còn hai xe kia là du lịch. Thấy chuyện lạ, các xe ngừng hết lại. Dưới bóng tối mờ mờ mọi người thấy trên đỉnh dốc có một bóng đen đứng hiên ngang lừng lững. Khi rõ chuyện, Cảnh Sát đến chỗ bọn cướp, đứa nào đứa nấy cứ như bị điểm huyệt. Một người lớn tiếng hỏi:

- Còn ai đứng ở trên kia đó...

Một tràng cười vang lên, rồi một giọng như sấm động...

- Cố gắng, Nhảy Dù... cố gắng.

Như hiểu ra chuyện, vị Trung Tá Nhảy Dù trấn an mọi người:

- Không sao đâu, pho tượng Thương Tiếc đi tuần thôi.

Sau đó ông vẫy tay la to:

- Về nghỉ đi em, khuya rồi... Nhảy Dù...

Bóng đen bỗng đứng nghiêm giơ tay chào:

- Cố gắng... Tuân lệnh Trung Tá".

Tôi chợt nhớ một đoạn trong bài học thuộc lòng thời xa xưa:

Họ là những anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước

Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu

Và làm cho những đất cát hoang vu

Biến thành một dãy sơn hà gấm vóc!

Họ là kẻ không nài đường hiểm hóc

Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn

Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn

Cuộc Nam tiến mở giang sơn lớn rộng

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động

Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng

Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân

Để bảo vệ tự do cho Tổ Quốc.

Trong chiến đấu, không ngại muôn khó nhọc

Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan

Người thất cơ đành thịt nát xương tan

Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm

Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa

Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà

Để sống lại cuộc đời trong bóng tối

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi

Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình

Bền một lòng dũng cảm chí hy sinh

Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách

Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên

Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên

Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật

Nhưng máu họ đã len vào mặt đất

Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông

Và anh hồn chung với tấm tình trung

Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.

Chuyện hiển linh xưa nay không hiếm, nhưng những huyền thoại về Tượng Thương Tiếc, sống động như chuyện đời thường, chuyện hàng ngày trước mắt, khiến cho ai nghe cũng cảm động nghiêng mình kính cẩn và hết lòng thán phục. Sống nằm gai nếm mật bảo vệ quê hương, chết hồn thiêng còn hiện về giúp người hoạn nạn… Dù có bị làm nhục phỉ báng cũng không quên vai trò của người lính chiến.

Trần Công Nhung






























Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Những hoài niệm đẹp của Sài Gòn xưa

Chỉ có người yêu Sài Gòn mới nhận ra nét đẹp xưa còn mãi trong kiến trúc, con đường, nếp sống…


Sài Gòn năng động và vun vút đi. Ít người có thời gian và chịu bỏ công sức để cảm nhận Sài Gòn một cách trọn vẹn từ quá khứ đến hiện tại, qua những thứ “ngày nào cũng thấy”. 

Thời gian làm nhiều thứ bị lu mờ và biến mất, nhưng lại tăng thêm sự quyến rũ, giá trị lịch sử cho những công trình. Mang vẻ đẹp độc đáo, lộng lẫy một thời, các kiến trúc như nhà hát lớn thành phố, UBND thành phố, nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố… vẫn đậm hơi thở của "hồn Sài Gòn". 

Nhà thờ Đức Bà được xây bằng những viên gạch làm tại Marseille (Pháp), để trần, không tô trát và mang màu đỏ đặc trưng
Nhà thờ Đức Bà được xây bằng những viên gạch làm tại Marseille (Pháp), để trần, không tô trát và mang màu đỏ đặc trưng
Chợ Bến Thành - biểu tượng của Sài Gòn, có trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Cho đến nay, kiến trúc của chợ gần như vẫn nguyên vẹn
Chợ Bến Thành - biểu tượng của Sài Gòn, có trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Cho đến nay, kiến trúc của chợ gần như vẫn nguyên vẹn

Bến đò Thủ Thiêm nay chỉ còn trong các bức hình và trí nhớ của những người dân khu vực xung quanh

Bến đò Thủ Thiêm nay chỉ còn trong các bức hình và trí nhớ của những người dân khu vực xung quanh
Bưu điện thành phố ngày xưa không đông khách du lịch mà nhộn nhịp người đến vì công việc
Bưu điện thành phố ngày xưa không đông khách du lịch mà nhộn nhịp người đến vì công việc
Khách sạn Intercontinental
Khách sạn Intercontinental
Từng công trình cũng có câu chuyện của riêng mình với những biến cố thăng trầm theo sự phát triển của thành phố. Ví như tiệm cà phê - bánh ngọt Givral ở ngay góc đường Lê Lợi và phố Đồng Khởi.
Givral
Givral
Sài Gòn, chẳng có lấy một cái hồ tự nhiên với liễu rủ, bóng cây tỏa mát. Nhưng Sài Gòn có hồ Con Rùa mang dáng vẻ hiện đại, hình khối hợp tuyệt vời với phong cách năng động của thành phố này. Bao năm qua nó vẫn hòa với nhịp thành phố, chẳng bị lệch tông chút nào.
Hồ Con Rùa với kiến trúc hòa hợp với phong cách của thành phố
Hồ Con Rùa với kiến trúc hòa hợp với phong cách của thành phố
Đường Sài Gòn xưa, vẫn những hàng cây thẳng tắp nhưng vắng vẻ và thoáng đãng hơn bây giờ. Có lẽ vì thế nên cho người ta có cái cảm giác người Sài Gòn trước hình như thơ hơn, mộng hơn.

Những con đường thoáng đãng, rộng rãi hơn của hiện tại vì lượng xe và người còn hạn chế
Những con đường thoáng đãng, rộng rãi hơn của hiện tại vì lượng xe và người còn hạn chế
Sài Gòn ngày xưa cũng ngập tràn xe máy, xe đạp và ô tô. Tuy nhiên, những chiếc Mobylette, Vélosolex, Vespa, Lambretta, Honda... khiến cho Sài Gòn xưa mang nét đẹp cổ điển, thanh tao.

Sài Gòn xưa với các dòng xe thế này là niềm mơ ước của dân chơi xe bây giờ
Sài Gòn xưa với các dòng xe thế này là niềm mơ ước của dân chơi xe bây giờ
Bên cạnh đó, xích lô, xe lam, xe buýt góp phần làm Sài Gòn xưa thêm gần Sài Gòn nay. Hẳn những người từng nghe tiếng nổ giòn tan của xe lam nhớ lắm cái mùi khói phả vào mặt khi vô tình đứng sau xe. Có khó chịu đấy, có nhăn mặt đấy nhưng nó lại là kỷ niệm khó phai.

Xích lô, xe buýt khiến Sài Gòn xưa gần hơn với Sài Gòn nay
Xích lô, xe buýt khiến Sài Gòn xưa gần hơn với Sài Gòn nay

Và xe lam với tiếng nổ giòn
Và xe lam với tiếng nổ giòn
Nói đến Sài Gòn dịp tết, người ta nghĩ ngay đến đường hoa Nguyễn Huệ. Theo lời kể, kênh đào Charner nối liền với sông Sài Gòn được người Pháp lấp đi, hình thành đại lộ Charner, sau đổi tên thành đường Nguyễn Huệ.
Mỗi dịp tết về, hoa từ khắp nơi theo những con thuyền về bến gần đó được tập kết trải dài trên con đường này, khiến nó thành nơi buôn bán sầm uất, nhộn nhịp người chơi hoa, du xuân và tham quan. Dù không mua bán như trước đây, nhưng đường Nguyễn Huệ cũng là một nét rất riêng được lưu giữ lại của thành phố.
Đường Nguyễn Huệ xưa nhộn nhịp bán mua và người vãn cảnh mỗi dịp tết
Đường Nguyễn Huệ xưa nhộn nhịp bán mua và người vãn cảnh mỗi dịp tết
Không chỉ bây giờ mà trước đây, phim ảnh là một thú vui của nhiều tầng lớp người dân sống ở Sài Gòn. Do đó, các rạp cũng mọc lên như nấm với đủ dạng kiểu và giá thành khác nhau.
Thậm chí có rạp mang gu riêng, không chiếu phim Trung Quốc mà chỉ hướng đến quảng bá phim đạt giải lớn với những diễn viên tài tử nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Còn các rạp như Eden hay Rex giá vé cao, chỉ thích hợp cho "con nhà giàu" hay những người có điều kiện kinh tế dư giả.
Còn các rạp bình dân như Văn Cầm, Kinh Thành, Casino Đakao… thì “mềm” hơn, là điểm tới lui thường xuyên của học trò. Ngoài ra, còn vô số các rạp khác chứng kiến sự đổi thay một thời kỳ của điện ảnh như rạp Cầu Bông, Đại Nam, Cathay, Nguyễn Văn Hảo…
Bảng quảng cáo phim của rạp Eden, một trong những rạp chiếu bóng có thâm niên nhất ở Sài Gòn. Mặt trước bên đường Tự Do không có chỗ cho bảng quảng cáo lớn nên họ đặt ở mặt sau bên Nguyễn Huệ. Rạp Eden hoạt động từ thời Pháp thuộc cho đến tận năm 1975
Bảng quảng cáo phim của rạp Eden, một trong những rạp chiếu bóng có thâm niên nhất ở Sài Gòn. Mặt trước bên đường Tự Do không có chỗ cho bảng quảng cáo lớn nên họ đặt ở mặt sau bên Nguyễn Huệ. Rạp Eden hoạt động từ thời Pháp thuộc cho đến tận năm 1975
Người Sài Gòn yêu điện ảnh từ xưa, các rạp chiếu bóng thời đó lúc nào cũng đông người đi xem
Người Sài Gòn yêu điện ảnh từ xưa, các rạp chiếu bóng thời đó lúc nào cũng đông người đi xem
Trong chợ Sài Gòn, các gánh hàng rong, xe đẩy dường như vẫn thế bao năm qua, khiến đất này mang dư vị khó quên trong lòng người đến và dời đi. Vẫn những món hàng thường ngày, từ trái cây, đồ khô, đồ ăn… cảnh mua bán tấp nập nhưng gánh hàng rong, xe đẩy dường như nhẹ nhàng và thong dong hơn.




Sài Gòn luôn tận tình trong các dịch vụ đi kèm, tiệm hoa giao tận nơi này là một thí dụ
Sài Gòn luôn tận tình trong các dịch vụ đi kèm, tiệm hoa giao tận nơi này là một thí dụ


Chợ và hàng rong là điều không thể thiếu khi nhắc đến Sài Gòn. Thậm chí, có những khu chợ mang danh tiếng của tính cách Sài Gòn như chợ Dân Sinh, chợ Bà Chiểu…

Chợ và hàng rong là điều không thể thiếu khi nhắc đến Sài Gòn. Thậm chí, có những khu chợ mang danh tiếng của tính cách Sài Gòn như chợ Dân Sinh, chợ Bà Chiểu…


Xe đẩy ngày xưa cũng bán những mặt hàng như bây giờ nhưng hình như mang dáng vẻ thong dong, nhẹ nhàng hơn

Xe đẩy ngày xưa cũng bán những mặt hàng như bây giờ nhưng hình như mang dáng vẻ thong dong, nhẹ nhàng hơn



Cuộc sống của người Sài Gòn xưa cũng như Sài Gòn nay phóng khoáng và niềm nở

Cuộc sống của người Sài Gòn xưa cũng như Sài Gòn nay phóng khoáng và niềm nở

Sài Gòn xưa còn các cuộc thi nữ công gia chánh nhân ngày lễ như thêu, nấu ăn, viết văn…

Sài Gòn xưa còn các cuộc thi nữ công gia chánh nhân ngày lễ như thêu, nấu ăn, viết văn…

Cảnh đánh cờ của các anh, các chú, các bác vẫn là điều quen thuộc của Sài Gòn

Cảnh đánh cờ của các anh, các chú, các bác vẫn là điều quen thuộc của Sài Gòn

Sài Gòn khiến người ta phải nhớ mãi nó như câu hát tươi vui: “Một tình yêu mến ghi lời hát câu ca. Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa. Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai. Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”

Tạ BanẢnh: Sưu tầm từ Flickr